Tin tức
WEBSITE > Tin tức > Tin thị trường > Vì sao Quảng Ninh, Hải Phòng khó khôi phục điện ngay sau bão?
Vì sao Quảng Ninh, Hải Phòng khó khôi phục điện ngay sau bão?
23/09/2024
Đã quen xử lý sự cố bão nhưng Phó tổng giám đốc EVNNPC vẫn không ngờ lần này thiệt hại tới mức chưa thể khôi phục 100% điện, dù Yagi đã qua cả chục ngày.
“6,1 triệu khách hàng bị cắt điện, có nơi kéo dài cả chục ngày là thiệt hại vô cùng lớn. Ngành điện chưa có hậu quả nào như vậy 20 năm trở lại đây”, ông Vũ Anh Phương, Phó tổng giám đốc Điện lực miền Bắc (EVNNPC) nói với VnExpress.
Bão Yagi đổ bộ ngày 7/9 đã gây thương tổn cho hệ thống lưới điện của Việt Nam lớn hơn nhiều những cơn bão trước đây. Năm 2022, siêu bão Noru, được biết đến như một trong những cơn bão mạnh nhất từng tấn công Việt Nam, gây gián đoạn cấp điện cho nhiều khu vực tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Song, lượng khách hàng bị ảnh hưởng khi đó chỉ bằng một phần tư con số bão Yagi gây ra, khoảng 1,5 triệu.
Trước đây, ngành điện thường mất 2-3 ngày sau bão để cấp lại cho tất cả khách hàng bị ảnh hưởng. Nhưng với bão Yagi, hơn mười ngày sau, việc khôi phục hạ tầng, cấp điện mới “cơ bản hoàn thành”. Sau 10 ngày bão quét, đến 17/9, mới khoảng 6 triệu hộ có điện trở lại, đạt 99%. Nhưng có nghĩa là, khi ấy vẫn còn hơn 100.000 hộ vẫn sống trong cảnh thiếu điện.
Tỷ lệ mất điện do bão Yagi tại các tỉnh, thành phía Bắc
Lưới điện miền Bắc thương tổn
Bão Yagi và ảnh hưởng hoàn lưu sau bão làm hư hỏng nghiêm trọng hạ tầng điện của nhiều tỉnh, thành. Trong đó, lưới điện 110 kV tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương và Bắc Ninh – những nơi bão đi qua – thiệt hại nặng nề.
Lưới cao áp (điện áp 110-500 kV) cũng bị tổn hại. 6 đoạn đường dây 500 kV, 31 đường dây 220 kV và 96 đường dây 110 kV bị ngừng vận hành do sự cố hoặc ngành điện chủ động cắt để bảo đảm an toàn. Cùng với đó, nhiều trạm biến áp, đường dây trung, hạ áp cũng bị hư hỏng, sự cố.
Nhiều khu vực nước lũ ngập sâu như tại Yên Bái, Bắc Giang… buộc điện lực địa phương phải ngừng cấp, đảm bảo an toàn. Thời điểm đó, các hạ tầng quan trọng như bệnh viện, nước sạch, viễn thông phải chuyển sang chạy máy phát điện bằng dầu diesel để duy trì hoạt động.
Ba địa phương chịu thiệt hại nặng nhất về hạ tầng điện
Quảng Ninh – địa phương nơi tâm bão đi qua – hạ tầng điện chịu thiệt hại nặng nhất. Hệ thống lưới 110 kV gần như tê liệt. 59 đường dây và 21 trạm biến áp ngừng vận hành. Lưới điện 220 kV, phân phối trung, hạ áp đều bị hư hại.
Sau bão, hơn 3.700 cột điện bị gãy đổ hoặc nghiêng; 180 đường dây trung áp (điện áp từ 15 kV) sự cố và gần 100.000 m dây dẫn trung, hạ áp bị đứt, hỏng. Gần nửa triệu người dân tại đây sống trong cảnh mất điện nhiều ngày.
“Điện lực địa phương gần như choáng ngợp, không biết bắt đầu xử lý từ đâu, bởi khối lượng công việc quá lớn”, ông Vũ Anh Phương kể.
Thị xã Đông Triều, một trong những nơi hạ tầng chịu thiệt hại lớn nhất của Quảng Ninh, có 170 cột tại tuyến đường dây trung áp bị gãy đổ hoặc nghiêng, không đảm bảo vận hành. Lưới phân phối hạ thế (220-380V) cũng có tới 400 cột đổ, 1 trạm biến áp bị hỏng.
Ngay khi bão dừng, 90 công nhân Điện lực Đông Triều (thuộc Điện lực Quảng Ninh) chia nhau khắc phục tại các vị trí cột bị đổ, gãy. Song, địa hình ngập nước, nhiều khu vực chia cắt khiến việc khắc phục “vô cùng khó khăn”, theo ông Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Điện lực Thị xã Đông Triều.
Công ty điện lực này mất gần 1 tuần để khôi phục cấp điện cho bệnh viện, trụ sở ủy ban, mỏ than ở Mạo Khê, Uông Bí… 11 ngày sau bão Yagi “càn quét”, chiều 18/9, 95% trong số 63.000 khách hàng bị ảnh hưởng có điện lại.
Lưới điện trung, hạ áp tại thị xã Quảng Yên cũng gần như hư hỏng hoàn toàn sau bão. Gần 300 cột điện trung thế cần dựng mới, ngay cạnh những cột cũ gãy, đổ do bão.
Chịu thiệt hại lớn khiến hạ tầng điện của Quảng Ninh chậm khôi phục hơn so với các địa phương khác.
Lãnh đạo EVNNPC cho biết khối lượng công việc cần xử lý khổng lồ. Theo ông, thông thường những vị trí cột bị cây đè, đường dây bị vật nặng văng vào hoặc vỡ sứ cách điện… được khắc phục nhanh. Nhưng cột điện bị gãy, đổ, trạm biến áp, tủ điện hư hỏng, họ cần dựng mới, thay thiết bị. Thậm chí, tại những vị trí bị hư hỏng nặng, họ mất thời gian dỡ bỏ thiết bị cũ bị hỏng trước khi lắp, thay thế mới. Việc này khiến thời gian thi công, khôi phục kéo dài gấp 2-3 lần thông thường.
Công nhân Điện lực Đông Triều kiểm tra móng cột và đường dây tại phường Hồng Phong, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, ngày 14/9. Ảnh: EVNNPC
Bổ sung thêm, đại diện Điện lực Quảng Ninh cho hay tỉnh có địa hình đa dạng, nhiều cột điện được xây dựng trên đồi cao hoặc ở xã đảo, rất khó tiếp cận sửa chữa. Như các xã vùng cao, miền núi như Kỳ Thượng, Đồng Sơn (thuộc huyện Hoành Bồ), địa bàn bị chia cắt bởi mưa lũ, nước ngập sâu, điện lực địa phương phải chờ đến khi nước rút mới có thể sửa chữa.
“Có những vị trí cột 110 kV ở trên đồi. Chúng tôi phải huy động sự trợ giúp từ anh em công nhân mỏ Than Hà Lầm. Họ mang vác vật liệu, từng thanh xà cột từ chân lên đỉnh đồi, đường đi rất khó khăn”, ông nói.
Mặt khác, theo Điện lực Quảng Ninh, hệ thống thông tin viễn thông ngưng trệ, khiến liên lạc điều hành công việc tới các đơn vị trực thuộc gặp khó. Việc huy động nhân lực, thiết bị và phương tiện vận tải để khắc phục sự cố cũng trở ngại, bởi nhiều cơ sở hạ tầng, phương tiện, nhà cửa, trường học… cần sửa chữa, phục hồi. Các đơn vị có nhu cầu huy động vật tư cùng lúc, dẫn đến khan hiếm về nguồn lực phục vụ.
Tương tự Quảng Ninh, Hải Phòng buộc cắt điện toàn bộ thành phố khi bão Yagi ập tới. Sau bão, hơn 3.200 cột điện bị gãy, đổ, nghiêng, chưa kể những hư hỏng, sự cố lưới, đường dây và trạm biến áp. Có những tuyến đường ngắn vài km tại huyện An Lão nhưng tới chục cột điện cùng đổ gãy.
Xuyên đêm chạy đua sau bão
Ngày 10/9, ba ngày sau khi cơn bão quét qua Quảng Ninh, phần lớn các khu vực tại đây vẫn hoàn toàn không có điện, dù ngành này đã điều lượng lớn nhân lực bắt tay ngay khắc phục các sự cố.
“Ai cũng mệt, nhưng khi khách hàng còn chưa có điện, chúng tôi chưa thể nào nghỉ ngơi”, một công nhân của Điện lực TP Hạ Long chia sẻ lúc 22h. Anh và nhóm công nhân đang dựng cột, kéo dây, lắp đặt tủ công tơ tại phường Hà Khánh.
Những ngày sau, tình hình vẫn chưa cải thiện. Rất nhiều nơi, ngay cả TP Hạ Long và các khu vực khác ở Quảng Ninh cũng chưa có điện, dù Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) và các đơn vị bạn như Tổng công ty Điện lực miền Trung, Hà Nội đã cử thêm hàng nghìn cán bộ xung kích (có thời điểm tới 2.300 người) đến chi viện.
23h ngày 14/9, tại tuyến đường dây 22 kV sau trạm biến áp 110 kV Bắc Tiền Phong (Quảng Yên, Quảng Ninh), nhóm 30 công nhân của Điện lực Ninh Bình đang hối hả dựng 20 cột điện thay thế. Các công nhân ở đây nói xác định làm xuyên đêm để làm sao cấp điện cho khu công nghiệp này vào hôm sau.
“Ai mệt thì nghỉ, đỡ mệt lại tiếp tục làm”, đại diện Điện lực Ninh Bình nói,
Công nhân Điện lực Ninh Bình rửa cột để chuẩn bị dựng, tại thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh, đêm 14/9. Ảnh: Phương Dung
Ngoài Điện lực Ninh Bình, 44 nhân viên khác của Điện lực Quảng Nam vượt gần 1.000 km đến Quảng Ninh, tham gia khắc phục sự cố điện. Gần 80% trong số họ vừa tham gia cho đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối.
Công việc của ngày 14/9 mà đội xung kích này đảm nhiệm là xử lý sự cố tại 3 đoạn dây cấp điện cho khu 2, phường Hà Tu và TP Hạ Long. Ông Võ Trọng Bảo Tín, Phó trưởng phòng Kỹ thuật (Điện lực Quảng Nam) nói “anh em phấn đấu, thậm chí sẵn sàng làm cả đêm để có điện lại sớm”. Nhưng khi tổ chức xử lý sự cố lưới, ông cũng lo lắng an toàn cho người đi ứng cứu. “Do địa hình lạ nên chúng tôi mất thời gian khảo sát kỹ hiện trường, lập phương án rồi tổ chức thi công”, ông Tín chia sẻ.
Tối 18/9, Điện lực Quảng Ninh mới cấp điện trở lại cho khoảng 88% khách hàng. Tức là, còn hơn 55.000 hộ vẫn chưa có điện để sinh hoạt, sản xuất.
Công nhân Điện lực Quảng Nam kéo dây tại các cột điện vừa dựng lại tại phường Hà Phong, TP Hạ Long, tối 14/9. Ảnh: EVNNPC
Cũng như Quảng Ninh, Hải Phòng nhận hỗ trợ từ hơn 400 cán bộ, công nhân từ các công ty điện lực và nhà thầu, để khắc phục sự cố. Nhưng mưa lũ sau bão khiến giao thông ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc bị chia cắt, việc di chuyển của các đơn vị hỗ trợ gặp khó.
Anh Hoàng Ngọc Tín, công nhân Điện lực Lai Châu kể ban đầu họ dự kiến cùng Điện lực An Lão xử lý xong sự cố tại khu vực này trong 7 ngày. Tuy nhiên, ngập lụt ở nhiều địa phương, khiến di chuyển khó khăn. Họ mất 3 ngày để tới Hải Phòng, bằng gần nửa thời gian dự kiến thi công.
Toàn bộ Hải Phòng đã có điện trở lại. Còn Quảng Ninh, dự kiến, đến hết hôm nay mới có thể khôi phục điện toàn bộ cho sản xuất, tiêu dùng. Song, theo một đại diện của Điện lực Hải Phòng, để hệ thống điện tại khu vực này “hoàn toàn khỏe lại”, sẽ mất nhiều tháng, có khi cả năm. “Thiệt hại rất lớn, giờ nguồn lực, địa bàn, phương tiện, vật tư cái gì cũng khó khăn”, ông cho biết.
Ngoài ra, hệ thống điện ở các tỉnh Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lào Cai cũng bị ảnh hưởng nặng nề do nước lũ và đất đá sạt lở. Tuy nhiên, với các khu vực này, khi nước rút, công ty điện lực sẽ kiểm tra, khôi phục hệ thống. Hiện còn vài nghìn khách hàng vẫn bị mất điện do ngập lụt.
Đại diện EVNNPC nhìn nhận do biến đổi khí hậu, những sự cố thiên tai ngày càng khó lường, ảnh hưởng diện rộng. Do đó, thiệt hại và khắc phục sau bão Yagi sẽ là kinh nghiệm để ngành có kịch bản, cùng các đơn vị ứng phó kỹ lưỡng hơn với các diễn biến thời tiết cực đoan sau này. “Mục tiêu làm sao để 1, 2 hôm sau mỗi sự cố có thể khôi phục việc cấp điện cho người dân”, ông nói thêm.
Nguồn: vnexpress.
Tin tức khác